Cách xử lý khi gà nở không như ý
Cập nhật: 4/2/2017
Gà nở rộ vào ngày thứ 20 (tính từ khi đưa trứng vào máy ấp) gà con nở khỏe mạnh, dóc vỏ, mắt sáng, chân mập thì nhiệt độ, độ ẩm đặt đã phù hợp, bạn cứ để như thế ấp tiếp các lứa sau và không phải điều chỉnh gì. Còn nếu chưa đạt, thì dựa theo hiện tượng, nguyên nhân để khắc phục cho những mẻ ấp sau tốt hơn. Bà con có thể tham khảo thêm bảng sau để có định hướng tốt hơn...
Bạn nên có một quyển sổ ghi nhật ký ấp để có thêm kinh nghiệm ấp cho giống gà của gia đình.
TT |
Hiện tượng |
Nguyên nhân |
Khắc phục |
1 |
Nếu gà nở sớm vào ngày thứ 18, 19 |
Nhiệt độ ấp hơi cao |
Có thể giảm đi khoảng 0,1 độ C đến 0,2 độ C cho các giai đoạn của mẻ ấp sau. |
2 |
Nếu gà nở muộn vào ngày thứ 21, 22 |
Có thể nhiệt độ ấp hơi thấp |
nên tăng nhiệt độ lên 0,1 độ C đến 0,2 độ C cho các giai đoạn của mẻ ấp sau. |
3 |
Trứng gà bị chết phôi giai đoạn 1 – 14 ngày |
Đây là giai đoạn trứng hình thành và phát triển phôi, cần nhiệt độ ấp cao. Trứng chết giai đoạn này, thường do: Chất lượng trứng kém, phôi yếu, bảo quản trứng quá lâu, trứng bị bẩn, dập, nứt vỏ hoặc gà bố mẹ bị bệnh tật. |
Cho gà bố mẹ ăn uống đầy đủ, không ấp trứng khi gà trống đang thay lông, gà mái so, gà trống non, và bảo quản trứng đúng cách (như mục 1 hướng dẫn sử dụng máy ấp trứng Lộc Phát). Soi trứng định kỳ để loại bỏ trứng chết phôi sớm, không trống. |
4 |
Trứng chết phôi giai đoạn từ ngày 15 đến khi nở |
Trứng chết phôi giai đoạn này chủ yếu do nhiệt độ cao hoặc độ ẩm cao quá hoặc thấp quá. |
Để khắc phục hiện tượng này ta cần thường xuyên kiểm tra nhiệt độ trong máy để đảm bảo nhiệt độ trong máy nằm trong phạm vi nhiệt độ chuẩn. (xem bảng nhiệt độ, độ ẩm ấp đa kỳ, đơn kỳ) |
5 |
Gà khè mỏ nhưng không nở được do nhiệt độ cao |
Gà nở sớm, khẩy mỏ kèm theo hiện tượng sùi nước vàng, dính, rất nhanh khô làm cho gà con có thể chết ngay sau khi khẩy mỏ. Đi kèm với hiện tượng này là gà nở sớm vào ngày 18, 19, gà bị hở rốn, bóc con gà con đã chết ra khỏi trứng thì thấy vẫn còn lòng đỏ trứng ở bụng gà. |
Mùa hè, nhiệt độ phòng cao lên đến 37,38 – 40 độ C, cần phải đưa máy vào vị trí mát hơn trong nhà. Nếu vào giai đoạn mùa thu, xuân, đông thời tiết mát, mà gặp phải trường hợp này, cần giảm nhiệt độ trong máy đi 0,1 đến 0,3 độ C. |
6 |
Gà khè mỏ không nở được do nhiệt độ thấp |
Gà nở muộn, nở chậm, nở lác đác, vị trí khẩy mỏ khô không sùi nước, nở vào ngày 21, 22, có thể kèm theo hiện tượng gà con bị khoèo chân do nằm lâu trong trứng, nếu nhiệt độ quá thấp thì gà con sẽ không đạp vỏ trứng ra được hoặc không thấy khẩy mỏ được và dẫn tới hiện tượng gà con bị chết ngạt trong trứng. |
Chỉ cần tăng thêm nhiệt độ trong máy ấp từng 0,1 độ C là được. Gà nở đúng ngày 20 là đạt yêu cầu. |
7 |
Gà khè mỏ không nở được do chất lượng trứng kém |
Chất lượng gà bố mẹ không tốt, ăn thiếu chất, gà mái đẻ so, gà trống tơ, hoặc đang thay lông, trứng có hình dạng bất thường (quá to, quá nhỏ, quá dài, vỏ sần sùi, vỏ rỗ…), để trứng quá lâu trước khi cho vào ấp, bảo quản trứng sai… |
Cho gà bố mẹ ăn đủ chất, bảo quản trứng đúng cách, thu nhặt trứng ngay sau khi gà đẻ để trứng không bị bẩn và không bị gà mẹ ấp dở chừng. |
8 |
Gà không nở được hoặc bị nở ra bị dính một lớp nhày rất ướt |
Do trong quá trình ấp ở giai đoạn 1 đến 15 ngày độ ẩm cao quá gây ra trứng không thoát hơi nước ra ngoài được. |
Giảm độ ẩm ở giai đoạn 1 đến 15 ngày từ 5 – 10 %. |
9 |
Gà hình thành con lớn rồi nhưng không mổ mỏ được, vỏ trứng tương đối cứng. |
Do độ ẩm ở giai đoạn nở 16 – 21 ngày quá thấp, mà vỏ trứng quá cứng, gà không nở được. |
Tăng độ ẩm giai đoạn 16 đến 21 ngày từ 5 đến 10 %.
|
Xem thêm: Cẩm nang ấp trứng.
Chúc bà con ấp trứng phát lộc!